Con tôi năm nay gần 4 tuổi, chúng tôi cho cháu ngủ riêng khoảng gần 6 tháng nay. Cháu ăn tốt, chơi ngoan, tuy nhiên cháu ngủ rất ít, thông thường hơn 10 giờ cháu mới đi ngủ, ban đêm cháu hay tỉnh giấc 3 – 4 lần, mỗi lần tỉnh giấc phải mất một lúc lâu cháu mới ngủ lại được. Vậy có phải cháu bị rối loạn giấc ngủ.
Rối loạn giấc ngủ là gì
Rối loạn giấc ngủ ở trẻ em là một cụm từ mô tả một giai đoạn khi một em bé đã ngủ tốt đột nhiên thức dậy nhiều vào ban đêm,ngủ ngắn hơn mà không có lý do rõ ràng. Giai đoạn này thường kéo dài trong vòng một tháng cá biệt có bạn trẻ kéo dài vài tháng.
Ở lứa tuổi này, trẻ đã biết đi, biết nói, bước đầu tách khỏi mẹ, khẳng định bản thân. Trong khi mẹ ép con vào kỷ luật thì con lại muốn độc lập. Nếu không khéo dung hoà mâu thuẫn này thì trẻ rất dễ mất ngủ đêm. Sự chú ý, quan tâm quá mức của cha mẹ khi con sắp ngủ cũng gây phản tác dụng. Cha mẹ càng “phớt lờ” đi thì con càng dễ ngủ. Nếu cha mẹ quá săn sóc con, sợ con ngã, sợ con chưa hiểu thì trẻ càng khó ngủ. Giường ngủ quá to cũng là một vấn đề. Nếu đặt con xuống giường rộng quá, trẻ sẽ thấy chống chếnh, vắng vẻ, hoảng sợ khi sắp đi ngủ và lúc thức dậy, sẽ lo lắng, sợ hãi vô cớ, kêu khóc và không dám ngủ. Ngoài ra, đây là độ tuổi trẻ mới bắt đầu đi tới lớp, với thầy cô mới, với nhiều bạn mới, môi trường có nhiều sự khác biệt so với ở nhà được ông bà bố mẹ chiều chuộng; vì vậy bạn cũng cần tìm hiểu xem có điều gì xảy ra ở lớp làm bé sợ sệt hoặc kích động cũng ảnh hưởng tới giấc ngủ của bé.
Để khắc phục, phải có lịch biểu ngủ hằng tuần. Cha mẹ nên vạch mục tiêu rõ ràng, định kỳ cho con, chẳng hạn tuần này con phải ngủ ở giường con, không làm phiền cha mẹ ban đêm. Sau đó, phải tìm và xác định nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ loại trừ hoặc thay thế tạm thời theo phương pháp “làm giảm dần”. Ví dụ: Đầu tiên, vào mỗi tối, cha đọc chuyện cho con nghe 15 phút trước giờ con ngủ. Hãy đọc đều cho đến khi con lơ mơ thì đặt nó vào giường. Những ngày sau, hãy rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục trên cho đến khi trẻ có thể ngủ ngon.
Nếu các biện pháp trên không mang lại hiệu quả, chị nên đưa cháu tới khám bác sỹ chuyên khoa nhi để được chẩn đoán và điều trị cụ thể.
Bên cạnh các dịch vụ khác, Trung tâm tư vấn, nghiên cứu và đào tạo của Tiến sỹ Nguyễn Bạch Đằng (Center for consultation, research and training of Dr. Nguyen Bach Dang - CRTD) còn cung cấp thêm dịch vụ tư vấn khám sức khỏe định kỳ qua điện thoại với số điện thoại hỗ trợ là 0901348669 do Tiến sỹ, Bác sỹ Nguyễn Bạch Đằng trực tiếp tư vấn. Chi tiết các bước xem tại đây.